Thông Tin Về Kiến Trúc Sư Hoàng Thúc Hào, Hoàng Thúc Hào

KTS Hoàng Thúc Hào: Bỏ 1 tỷ ra xây nhà cộng đồng chẳng thu lại được nhưng tới giờ tôi thấy mình lãi quá!

*

Trò chuyện với KTS Hoàng Thúc Hào mới thấy hết tâm huyết anh dành cho cộng đồng. Không chỉ đơn giản là thiết kế một công trình, đó là cả sự tính toán, cân đo để kiến trúc được đưa vào hoạt động và duy trì nhằm phục vụ đông đảo người dân ở những cộng đồng yếm thế và thiểu số.

Bạn đang xem: Kiến trúc sư hoàng thúc hào

"Mọi thứ đến như một cái duyên tự nhiên thôi" là chia sẻ của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào khi nói về tình yêu mà anh gửi gắm vào mỗi công trình dành cho cộng đồng. Trước buổi trò chuyện, anh dẫn chúng tôi đi thăm quan, giới thiệu từng "đứa con tinh thần" của mình được trưng bày tại văn phòng 1+1>2.

Vì sao anh quyết định dồn công sức làm công trình xã hội, vốn gặp rất nhiều khó khăn?

Văn hóa Việt Nam được hình thành chủ yếu từ các vùng nông thôn, miền núi. Những cộng đồng tại khu vực này ở quá khứ có truyền thống kiến trúc đặc sắc nhưng ở hiện tại, họ chưa có công trình xứng tầm. Trong khi đó, để kiến trúc Việt Nam đi ra ngoài thế giới, nếu chúng ta làm những công trình hiện đại cao tầng như Singapore, Thâm Quyến thì chúng ta thua rồi. Đó không phải là thế mạnh của người Việt Nam.

Những công trình có tiềm lực, tiềm năng của kiến trúc Việt Nam nằm ở kiến trúc cộng đồng, xã hội nhỏ nhắn nhưng đặc biệt như Hội An, Hồ Gươm, chùa Một Cột, đình làng hay nhà ba gian, nhà sàn…

*

Ở thời điểm đầu, dù chỉ là mơ hồ thôi, chúng tôi vẫn tự hỏi làm sao để làm những kiến trúc Việt Nam vừa giữ được bản sắc vừa có thể hội nhập với quốc tế. Rồi chúng tôi muốn làm thử một công trình cộng đồng. Dù phải tự tìm đất và bỏ tiền đầu tư để làm nhưng mình lại được toàn quyền thử nghiệm. Nếu có chuyện gì xảy ra hay thất bại thì mình sẽ dễ dàng tự chỉnh trang, sửa chữa và chịu trách nhiệm hơn.

Công trình đầu tiên – dự án Suối Rè - được anh và các cộng sự thực hiện như thế nào?

Chúng tôi tìm hiểu vùng Suối Rè. Ở đó, 80% là người Mường, 20% là người Kinh và hơn trăm năm qua, người Mường và người Kinh chung sống hòa thuận với nhau. Vấn đề đặt ra là làm thử nghiệm kiến trúc thì làm cái gì.

Ở đó có rất nhiều vật liệu địa phương nhưng người dân đã quen sống với tre, đất nên không thấy thú vị. Họ nghĩ nhà ở phải “ăn chắc mặc bền”, bê tông hay mái bằng.

Sau cùng, chúng tôi quyết định làm nhà cộng đồng vì những công trình như vậy sẽ hội tụ được nguồn lực về văn hóa. Vấn đề là phải làm sao để nhà cộng đồng được sử dụng thường xuyên. Thực tế, một loạt các nhà văn hóa huyện, xã đang bị “nhân bản vô tính” rồi bỏ hoang.

Sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết ở đó có một lớp mẫu giáo, chỗ học bị lầy, cứ những ngày trời mưa là nghỉ học nên giờ mình chuyển lớp lên nhà cộng đồng. Thêm vào đó, người dân ở đây chơi bóng chuyền rất giỏi, kể cả phụ nữ nên phía trước nhà sẽ làm một cái sân để hội họp và chơi bóng chuyền. Trên triền đồi, triền núi làm một cái khán đài để bà con ngồi xem. Trong nhà có một tầng bán hầm, mặt trước trông giống căn nhà 5 gian của người Kinh, mặt sau thấp thoáng giống nhà sàn của người Mường, hai trong một.

Khi hoàn thiện, trẻ con học, bà con sinh hoạt, rất vui nhưng sau đó 1 năm, chính quyền xã xây một nhà mẫu giáo ở trung tâm, tất cả các nhà trẻ ở các thôn kéo ra xã học nên dần dần nó ít hoạt động hơn.

Mất bao nhiêu lâu và cần bao nhân sự để hoàn thành công trình đó?

14 tháng. Một cái nhà 2 tầng xây thế là quá lâu. Điều này do nhiều nguyên nhân, ví dụ: chuẩn bị vật liệu thiếu, tre ngâm bị thiếu mà mỗi lần ngâm là mấy tháng sau mới dùng được. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa các phần chưa nhịp nhàng: làm xong tường là phải làm khung, mái ngay nhưng không kịp. Sau này mình lắp khung vào thì tường bị lở, lại phải đắp tường mới nhưng do lớp đất cũ và mới phản ứng hóa học nên không ăn với nhau, bong ra, lại phải chỉnh.

Ngoài ra, kèo, dầm cột... phải chỉnh tỷ lệ. Tỷ lệ kiến trúc là một trong những yếu tố quyết định. Tôi cũng khó tính, nên cứ chỉnh đi chỉnh lại. Nhiều vấn đề khác nữa vì mình chưa từng làm bao giờ nhưng cái hay nhất lại là ở những chỗ như vậy. Cứ chỉnh, cứ làm thì mọi thứ sẽ dần hiện ra và đẹp hơn.

Còn về nhân sự, có lúc 5 người, có lúc mười mấy người.

Anh thuyết phục cộng sự của mình như thế nào để họ cùng anh làm những công trình như thế?

Chỉ có nêu gương thôi. Người Việt Nam thì cách thuyết phục tốt nhất là nêu gương. Họ thấy mình say mê, nhiệt tâm, tận tâm và cũng chẳng vì lợi ích gì cả nên họ tin.

Thế còn sự kêu gọi của các nhà hảo tâm ở bên ngoài?

Nhà cộng đồng đầu tiên hoàn toàn là tôi bỏ tiền túi, cái sau là nhà cộng đồng Tả Phìn thì nhờ vào quyên góp. Một cô người Bồ Đào Nha tên là Viviana đi du lịch ở Sapa, thấy người dân chạy theo khách Tây để bán thổ cẩm thì muốn xây một chỗ để bà con giới thiệu sản phẩm và ngồi bán.

Lúc đó, chúng tôi làm xong cái nhà Suối Rè rồi, báo chí, vô tuyến bắt đầu cũng đưa thông tin. Rồi qua tìm hiểu trên mạng và bạn bè giới thiệu, cô Viviana tìm đến.

Sau khi làm xong nhà cộng đồng đầu tiên, chúng tôi đang muốn làm thêm một công trình nữa ở vùng khác. Ở Tả Phìn, Sapa là người Dao đỏ trong khi bọn tôi vừa làm một cái cho người Mường nên cảm thấy rất thích. Tôi bảo là bây giờ tôi với chị cùng làm, không chỉ giúp chị thiết kế, quyên tiền mà còn đồng hành với chị trong dự án này.

Làm cái nhà thứ hai đấy cũng phải mất năm rưỡi, hai năm vì vừa làm vừa quyên tiền. Quyên tiền thì các kiểu. Thứ nhất là bạn bè của tôi và cô Viviana, rồi tổ chức các buổi bán đấu giá. Bạn bè mỗi người tặng một cái tranh, cái tượng để bán đấu giá cùng với bán quần áo thổ cẩm.

Sau đó có một người bạn là chị Giang ở Hành động đô thị trong Hội An giới thiệu một quỹ bên Mỹ mà người lập ra lại là người gốc Việt - ông Phùng Liên Đoàn. Sau khi làm hồ sơ nộp sang thì ông Đoàn đồng ý tài trợ. Lúc đầu là khoảng 5.000 – 7.000 USD, mình xin 2-3 lần nên tổng số tiền cho phải đến 14.000, 15.000 USD. Tóm lại dự án đó, bạn bè mỗi người giúp một ít 5 triệu, 10 triệu, bán tranh các thứ quyên được tất cả phải đến 550, 600 triệu thì đủ làm.

Chứng tỏ số tiền bỏ ra để làm dự án đầu tiên của anh không hề nhỏ?

Dự án đầu 1 tỷ. Tiền đó về sau mình làm cả một bộ phim nữa, mất khoảng 70 - 80 triệu và cũng dùng cho việc đi lại, xăng xe, ăn uống, cộng sự của mình trong suốt 1 năm đó. Dự án sau thì không phải bỏ tiền nhưng mình bỏ công thôi, cùng bạn bè và chị Viana.

Xem thêm: Phong Lan Trầm Rồng Đỏ Giá Tốt Tháng 1, 2023, Cách Trồng Và Chăm Sóc Trầm Rồng Ra Hoa Tết

*

Làm các công trình công cộng mất thời gian, công sức mà không đem lại thu nhập, thậm chí là phải bỏ tiền túi ra nhưng nó lại mang lại cho anh những giải thưởng. Đó có được coi là sự bù đắp?

Tất nhiên đó là một sự động viên rất lớn đối với văn phòng của mình. Nói thật là mình cũng cứ làm hết đam mê thôi chứ cũng không nghĩ ngợi gì nhưng luôn có một niềm tin vô hình. Sau nhà Suối Rè, nhà cộng đồng Cẩm Thanh ở Hội An, Trung tâm hạnh phúc Bhutan… thì các dự án nó cứ đến. Làm công việc kinh doanh rồi thị trường rộng mở. 2, 3 năm gần đây, khi kinh doanh bất động sản hay các loại hình văn phòng cũng bão hòa thì thiết kế kiến trúc là một phần rất lớn của cạnh tranh sản phẩm. Người ta cần thiết kế khác biệt. Văn phòng của tôi là một trong vài sự lựa chọn đầu tiên khi người ta tìm kiếm sự khác biệt.

Có những từ nói ra chỉ mất vài giây, nhưng để trải nghiệm và hiểu trọn vẹn về nó người ta lại phải đi hết tới nửa đời người. Với KTS Hoàng Thúc Hào, điều ấy đúng với khái niệm của anh về “hạnh phúc”.

Nhìn bên ngoài, chẳng ai nói KTS Hoàng Thúc Hào không hạnh phúc với những điều đang có trong tay. Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội, KTS trưởng và là người sáng lập của một văn phòng kiến trúc lớn. Và đặc biệt, được sự thừa nhận gần như tuyệt đối trong nghề.

Gần nhất, cuối năm 2016, KTS Hoàng Thúc Hào nhận giải thưởng SIA – Getz, giải thưởng mà báo giới gọi bằng cụm từ “Nobel kiến trúc châu Á”, để thêm vào bộ sưu tập cả chục giải thưởng quốc tế của mình. Dự lễ vinh danh ở Singapore, anh lại “tiện đường” bay tiếp sang châu Âu để giám khảo cho một cuộc thi kiến trúc khác.

Một hành trình trong vài tuần như vậy đã đủ minh chứng cho khái niệm hạnh phúc, nhất là từ cặp mắt của các KTS trẻ?

Nhưng với KTS Hoàng Thúc Hào, 2 chữ ấy không đơn giản như vậy.

*
KTS Hoàng Thúc Hào nhận giải thưởng kiến trúc SIA – Getz

Người viết từng hỏi đi hỏi lại KTS Hào về suy nghĩ của anh, khi khởi dựng nhà văn hóa cộng đồng tại Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình). Công trình này là cột mốc quan trọng trong lộ trình của anh để có những kiến trúc mà anh tự định danh bằng khái niệm “kiến trúc hạnh phúc”.

Khái niệm ấy gồm có hạnh phúc của người sáng tạo, người sử dụng cũng như giá trị tự thân của công trình. Và, hỏi vặn KTS Hào, bởi anh bỏ ra gần 1 tỷ đồng tiền túi để bà con người Mường tại Suối Rè được thụ hưởng “miễn phí” hạnh phúc từ ngôi nhà văn hóa cộng đồng này.

“Có gì khó hiểu đâu. Khi ấy, tôi hiểu rõ mình không thể xin tài trợ từ Nhà nước. Và các nguồn lực xã hội cũng không nốt, ngoại trừ khoảng hơn trăm triệu từ một người bạn”, KTS Hào trả lời, “trong khi mình đã có gần chục năm nghĩ và mong về một kiến trúc theo mô hình cộng đồng – xã hội như vậy”.

Mua đất, tự thiết kế và dùng tiền “bỏ ống” để hiện thực hóa ý tưởng của mình, cái mà KTS Hoàng Thúc Hào đổi lại được là sự tự do sáng tạo mà không…. chủ đầu tư nào can thiệp. Nhà cộng đồng Suối Rè mọc lên vào đầu năm 2010, ở một xã nghèo và tất nhiên, chưa có dấu ấn của một kiến trúc “nghiêm chỉnh” nào.

*
Nhà văn hóa cộng đồng thồn Suối Rè, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, Hòa Bình

Báo chí và giới kiến trúc khi ấy đã nhắc nhiều tới công trình ở Suối Rè. Về sự đan xen linh hoạt giữa các chức năng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, thư viện, phòng họp thôn. Về không gian hiện đại và phong phú, có vóc dáng và hồn cốt một ngôi nhà của người Mường cộng cùng yếu tố hiện đại từ những pin mặt trời, bể thu lọc nước mưa, gió địa hình, đèn LED tiết kiệm điện. Về chất liệu gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa với tầng trệt xếp bằng đá gồ ghề, tầng trên đắp đất nâu, với những cửa tre, trần trúc, kèo tre lợp lá…

*
Một lớp học tại nhà văn hóa Suối Rè

Tất nhiên, cách mà KTS Hoàng Thúc Hào lựa chọn để thỏa mãn khát vọng nghề nghiệp của mình cũng thể khiến báo chí bỏ qua. Họ gọi anh là một KTS lãng mạn, là hiệp sĩ của những công trình xanh.

Ít ai biết, phía sau sự “lãng mạn” được tặng về ấy là những mệt mỏi thường trực của KTS Hào trong 2 năm, trước khi nhà cộng đồng Suối Rè hoàn thành. Giá thi công vọt lên gấp 3 lần so với dự kiến. Đến lúc anh có thể “dốc túi” tiếp thì lại hết nguyên liệu, lớp nhà đất theo kiểu trình tường hỏng toàn bộ sau 4 tháng ngừng thi công. Rồi những sự cố nối tiếp nhau về nhân công, về quá trình giám sát…

Sau trường hợp Suối Rè, chuỗi công trình kiến trúc theo ý tưởng ấy đã được nối dài đáng kể. Đó là nhà cộng đồng ở Tả Phìn (Sa
Pa, Lào Cai), ở Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam), nhà cộng đồng kết hợp homestay ở Nậm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang), rồi trường tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên) nữa.

*
Nhà văn hóa Cẩm Thanh, Hội An
*
Nhà cộng đồng kết hợp homestay Nậm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang

Tất cả diễn ra dồn dập trong 6 năm. Tất cả đều được thiết kế miễn phí. Chỉ có khác trước một chút, KTS Hào không còn ở cảnh phải “bỏ ống” một mình. Sau ngôi nhà văn hóa cộng đồng ở Suối Rè, các quỹ văn hóa cũng như một số cá nhân và tổ chức đã phần nào tìm thấy ở anh sự tương đồng về ý tưởng.

Họ là Viviana, một phụ nữ Bồ Đào Nha từng tới Sa
Pa. Gặp những trẻ em lang thang bán thổ cẩm ở Sa
Pa, cô nảy ra ý tưởng xây một ngôi nhà cộng đồng để làm nơi phát triển du lịch cũng như học nghề thổ cẩm. Họ là Nguyễn Sự, ông bí thư nổi tiếng của Hội An với quyết định hiến toàn bộ số tiền của giải thưởng Phan Châu Trinh vừa nhận để xây một nhà văn hóa ở khu đất ngập Cẩm Thanh. Là ca sĩ Thanh Lam, người sẵn lòng tham gia một đêm nhạc từ thiện do KTS Hoàng Thúc Hào và bạn bè tổ chức, khi dự án tại Tả Phìn gặp một “bi kịch cũ”: hết tiền…

Giữa các ngôi nhà của KTS Hoàng Thúc Hào với những nhà văn hóa địa phương – loại công trình mà có lẽ sau một thời gian người ta đã bắt đầu nhìn ra sự tốn kém và thiếu khả dụng khi được xây nên, sự khác biệt dễ nhận ra nhất là tư duy về cách tiếp cận của KTS với những người sử dụng: cộng đồng bản địa.

Thiết kế tiện dụng, vừa hiện đại vừa kết hợp những yếu tố văn hóa của cộng đồng bản địa là điều bất cứ KTS nào cũng có thể nhìn thấy ở những công trình này. Nhưng xa hơn, ngay từ góc độ vật liệu, tất cả những gì được KTS Hào lựa chọn đều rất quen thuộc với cuộc sống của người dân nơi đây, thay vì những khuôn nhà bê tông từ miền xuôi. Bởi, KTS Hào hiểu rõ, những vật liệu “mộc” như vậy vừa giúp người dân không cảm thấy xa lạ trong nơi sinh hoạt của mình, vừa hạn chế được mức giá “trên trời” nếu được vận chuyển từ miền xuôi.

Dù là đá, gạch mộc, khung tre, là gỗ tái chế, gỗ thông, gỗ kiền kiền hay những tấm lá dừa nước có sẵn của địa phương, tất cả những chất liệu ấy được anh cùng cộng sự nghiên cứu và tính toán cẩn thận để phát huy hết tác dụng của mình mà vẫn có sự bền vững tương đối trước thời gian và thời tiết.

Đơn cử, khi chọn chất liệu gạch không nung cho trường học Lũng Luông, KTS Hào mất 3 tháng thuê kỹ sư thiết kế, chế thử rồi lại nhờ Viện Khoa học Vật liệu kiểm nghiệm các thông số về độ bền, cách âm, cách nhiệt hay khả năng đọng nước nếu gặp tiết trời ẩm mùa xuân.

*
Nhà văn hóa Tả Phìn, Sa
Pa, Lào Cai

KTS Hoàng Thúc Hào là người điềm đạm và kiệm lời, nhưng, khi nói về kiến trúc nông thôn, anh sôi nổi và hoạt bát hơn. Như lời anh, phần lớn trữ lượng văn hóa của Việt Nam vẫn nằm ở nông thôn, khi mà các đô thị hiện đại mới chỉ hình thành ngót nghét hơn trăm năm trước.

Nhìn lại, những “kiến trúc hạnh phúc” của anh đều hướng tới những cộng đồng nghèo ở nông thôn hay miền núi, mà anh gọi là “cộng đồng yếm thế”. Và, đều không phải là những công trình đồ sộ về quy mô.

Nhưng, với nghề kiến trúc, một công trình dù lớn vẫn có thể không bằng một nhà dân bé – nếu như ẩn sau ngôi nhà ấy là một triết lý đủ mở ra một trào lưu mới, đóng góp cho xã hội hoặc có tính phổ quát cao.

Triết lý ấy nằm trong thuyết trình của KTS Hoàng Thúc Hào gửi tới Hội đồng giám khảo của Giải thưởng SIA – Getz, giải thưởng mà anh cũng thừa nhận là lớn nhất trong sự nghiệp từ trước tới giờ. Vắn tắt, xu thế toàn cầu hóa đang có xu hướng xóa nhòa bản sắc của nhiều cộng đồng yếm thế không có nguồn lực tự “đề kháng”. Trong khi đó, họ lại là đối tượng nắm giữ một phần rất lớn bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia để đóng góp vào sự đa dạng của cả loài người.

*
Trường học Lũng Luông, Thái Nguyên

Và, nếu muốn tạo ra sự bền vững văn hóa ở các công trình của cộng đồng ấy cũng như cơ hội để họ cất lên tiếng nói của mình, KTS không thể chỉ làm nghề một cách thuần túy. Xa hơn, đó còn là việc tìm kiếm, phát hiện những giá trị bản địa cốt lõi để kết hợp đưa vào các công trình của mình. Rồi vận động xã hội, kết nối các nguồn lực… để hiện thực hóa những công trình ấy từ ý tưởng và nhân rộng bằng ngôn ngữ kiến trúc mới của mình – giống như con đường mà anh đang đi.

Những suy nghĩ ấy, như lời KTS Hoàng Thúc Hào, manh nha đến từ khi anh mới ra trường và thực hiện một đồ án về quy hoạch làng gốm Bát Tràng. Để rồi, 15 năm sau, ở độ tuổi 40, mọi thứ mới ở độ chín để anh bắt đầu hiện thực hóa những gì mình từng nghĩ về “kiến trúc hạnh phúc”.

Chẳng hề muộn, khi mà KTS Hoàng Thúc Hào cuối cùng vẫn được sống trọn với cái triết lý mà anh tự đặt ra về kiến trúc hạnh phúc, cho nghề và cả cho mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

x

Welcome Back!

Login to your account below

Retrieve your password

Please enter your username or email address to reset your password.